Trong kinh doanh hiện nay nhu cầu về vốn để khởi nghiệp, để mở rộng kinh doanh, mở rộng thị trường là yếu tố rất cần thiết với bất kỳ doanh nghiệp nào. Đặc biệt nó luôn là bài toán chưa có hồi kết với hàng triệu STARTUP trẻ Việt muốn bắt đầu sự nghiệp riêng của mình.
Các hình thức huy động vốn hiệu quả nhất.
Doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ thì vốn luôn là bài toán làm cho các chủ dự án, chủ đầu tư đau đầu nhất. Không phát triển đôi khi cũng do không có vốn để vận hành, phát triển không lớn mạnh được đôi khi cũng không có vốn để mở rộng. Thậm chí co hàng trăng ý tưởng, doanh nghiệp chết chìm trong bài toán về vốn mà không tìm được giải pháp cho sự phát triển của doanh nghiệp mình.
Nếu doanh nghiệp bạn đang khó khăn về vốn thì bài viết này sẽ là một bài viết giá trị cho công việc của bạn hay ít nhất tôi cũng hy vọng nó có thể giúp bạn có thêm một ý tưởng mới để áp dụng vào doanh nghiệp của mình.
Với hơn 12 năm làm chủ doanh nghiệp tôi chưa từng đủ vốn,. doanh nghiệp lúc nào cũng trong tình trạng thiếu vốn trầm trọng và luôn phải vận hành dòng tiền cho hợp lý để đưa doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển ổn định
Góp vốn ban đầu ( Vốn thành lập).
Vốn góp ban đầu là phần vốn hình thành do các chủ sở hữu đóng góp khi thành lập doanh nghiệp. Hình thức sở hữu sẽ quyết định tính chất và hình thức tạo vốn của bản thân doanh nghiệp.
– Đối với doanh nghiệp Nhà nuớc, vốn góp ban đầu chính là vốn đầu tư của Nhà nước.
– Đối với doanh nghiệp tư nhân, vốn góp ban đầu là vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký.
– Đối với công ty TNHH và công ty hợp danh, phần vốn góp ban đầu là tổng giá trị phần vốn góp các thành viên cam kết góp vào công ty.
– Đối với công ty cổ phần, vốn góp ban đầu là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.
Đây là yếu tố mang lại tiềm lực tài chính và tiềm lực về năng lực nhân sự. Các doanh nghiệp mới thành lập thường không ổn định về quy trình, nhân sự và ban lãnh đạo chính vì vậy việc có thêm thành viên góp vốn tạo dựng doanh nghiệp nó sẽ giúp bạn có thêm người đồng hành trong giai đoạn khó khăn nhất.
Hãy viết kế hoạch kinh doanh của bạn ra một bản chi tiết và trình bày với tất cả các thành viên tương lai là cổ đông, đã là cổ đông hoặc muốn họ làm cổ đông bằng hình thức hội thảo, tọa đàm hay hội họp để trình bày ý tưởng của mình.
Chuẩn bị trước các quyền lợi quyền hạn của thành viên tham gia giai đoạn kim cương để họ hiểu được giá trị và tầm nhìn của người dẫn dắt, bạn có thể đạt được số vốn ngoài mong đợi nếu có sự chuẩn bị tốt.
Huy động vốn từ lợi nhuận không chia
Nguồn vốn tích luỹ từ lợi nhuận không chia là một phần lợi nhuận dùng để tái đầu tư.
– Đối với doanh nghiệp Nhà nước thì việc tái đầu tư phụ thuộc không chỉ vào khả năng sinh lời của bản thân doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào chính sách tái đầu tư của Nhà nước.
– Đối với công ty cổ phần: Khi công ty để lại một phần lợi nhuận vào tái đầu tư, tức là không dùng số lợi nhuận đó để chia lãi cổ phần, các cổ đông không được nhận tiền lãi cổ phần nhưng bù lại, họ có quyền sở hữu số vốn cổ phần tăng lên của công ty.
Huy động vốn từ phát hành cổ phiếu.
Theo khoản 2 Điều 6 Luật chứng khoán năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2010, Cổ phiếu được hiểu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
– Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
– Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán;
– Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông thông qua;
– Công ty đại chúng đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng phải cam kết đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn một năm, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Huy động vốn bằng tín dụng Ngân hàng
Tín dụng ngân hàng là giao dịch tài sản giữa Ngân hàng với bên đi vay (là các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nền kinh tế) trong đó Ngân hàng chuyển giao tài sản cho bên đi vay sử dụng trong một thời gian nhất định theo thoả thuận, và bên đi vay có trách nhiệm hoàn trả vô điều kiện cả vốn gốc và lãi cho Ngân hàng khi đến hạn thanh toán.
Tín dụng ngân hàng có nhiều hình thức thể hiện như: hợp đồng tín dụng từng lần, cho vay theo thời hạn mức tín dụng, thỏa thuận tín dụng tuần hoàn, cho vay đầu tư dài hạn,…
Huy động vốn bằng tín dụng thương mại
Tín dụng thương mại là quan hệ tín dụng giữa các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh với nhau dưới hình thức mua bán chịu hàng hóa.Có ba loại tín dụng thương mại:
– Tín dụng thương mại cấp cho nhà nhập khẩu (gọi là tín dụng xuất khẩu) là loại tín dụng do người xuất khẩu cấp cho người nhập khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
– Tín dụng thương mại cấp cho người xuất khẩu (gọi là tín dụng nhập khẩu) là loại tín dụng do người nhập khẩu cấp cho người xuất khẩu để nhập hàng thuận lợi.
– Tín dụng nhà môi giới cấp cho người xuất khẩu và nhập khẩu, các ngân hàng thương nghiệp cỡ lớn thường không cấp tín dụng trực tiếp cho các nhà xuất nhập khẩu mà thông qua nhà môi giới.
Huy động vốn bằng phát hành trái phiếu
Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, và các nghĩa vụ khác (nếu có) của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu.
Theo quy định, đối tượng được phát hành trái phiếu doanh nghiệp gồm:
– Doanh nghiệp được phát hành trái phiếu là Công ty cổ phần và công ty TNHH được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.
– Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Lưu ý: Ngoài các hình thức huy động vốn như trên, doanh nghiệp còn có thể huy động vốn vay từ cá nhân, tổ chức khác; quỹ đầu tư cá nhân, tổ chức; cho thuê tài chính,…